Viêm phổi không điển hình do vi khuẩn ở trẻ

Viêm phổi không điển hình do vi khuẩn ở trẻ
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do viêm phổi, trong đó có nhiều trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Vậy viêm phổi không điển hình ở trẻ do những loại vi khuẩn nào, điều trị ra sao?

1. Những loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ

Viêm phổi là vấn đề thường gặp nhất là trẻ nhỏ. Đây là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở phổi, trong đó, viêm phổi không điển hình là tình trạng nhiễm trùng phổi do các vi khuẩn không điển hình khó phát hiện được bằng phương pháp thông thường.

Hiện viêm phổi không điển hình thường do 3 chủng vi khuẩn phổ biến gây ra:

– Do vi khuẩn mycoplasma Pneumoniae

Với loại chủng này, ước tính hàng năm có khoảng 2 triệu ca viêm phổi không điển hình ở trẻ do mycoplasma gây ra. Khoảng 55 – 70% viêm phổi không điển hình ở trẻ do mycoplasma.

Đối tượng nguy cơ chủ yếu là những người có xu hướng sinh sống hoặc làm việc tại các khu vực có mật độ dân cư đông đúc như trường học, khu tập thể, khu nhà ẩm thấp ổ chuột…

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu vẫn có nhiều trường hợp bị mắc viêm phổi không điển hình do M.Pneumoniae mà không có yếu tố nguy cơ đặc biệt nào.

– Do vi khuẩn chlamydophila Pneumoniae

Chủng viêm phổi không điển hình do Chlamydophila (C.Pneumoniae) thường diễn ra quanh năm và dễ gặp nhất ở trẻ em ở lứa tuổi học đường. Theo ước tính, có khoảng 50% người trưởng thành đã từng mắc phải căn bệnh này trước năm 20 tuổi.

Người mắc bệnh thường chỉ có biểu hiện viêm phổi nhẹ và hiếm khi xuất hiện những ca bệnh nặng.

viem phoi2 16878377779931852240565
Bệnh viêm phổi không điển hình do Legionella Pneumophila xảy ra khi hít phải mầm bệnh vi khuẩn trong hơi nước và bụi trong môi trường bị ô nhiễm.

– Do vi khuẩn Legionella Pneumophila

Chủng viêm phổi không điển hình do Legionella Pneumophila xảy ra khắp nơi trên thế giới với các trường hợp đơn lẻ. Tỷ lệ mắc bệnh chưa được biết rõ do thiếu hụt sự giám sát và báo cáo ở các quốc gia. Tuy nhiên, theo nghiên cứu viêm phổi không điển hình ở trẻ do Legionella Pneumophila chỉ chiếm khoảng 5 – 7%.

Bệnh viêm phổi không điển hình do Legionella Pneumophila xảy ra khi hít phải mầm bệnh vi khuẩn trong hơi nước và bụi trong môi trường bị ô nhiễm.

2. Cách phát hiện viêm phổi không điển hình ở trẻ

Đa số viêm phổi không điển hình ở trẻ em có giai đoạn tiền triệu chứng bằng chứng viêm đường hô hấp. Khi đó, trẻ viêm phổi có thể bị sốt cao, sốt liên tục từ 39 đến 40 độ C.

Ngoài ra, trẻ còn có thể có các biểu hiện khác như: Trẻ ho nhiều, ho thành cơn, ho khan, khàn tiếng đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Đối với những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ…

Đặc biệt, trẻ em bị viêm phổi do mycoplasma có thể bị phát ban, trong khi viêm phổi do Legionella thì có thể bị tiêu chảy và đôi khi lú lẫn.

Nhìn chung, các triệu chứng thực thể của viêm phổi không điển hình khá nghèo nàn. Việc thăm khám thường ít có biểu hiện rõ ràng như ở phổi hay các triệu chứng khác.

vi khuan mycoplasma pneumoniae 16878378378371036208159
Chẩn đoán viêm phổi không điển hình các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang sẽ có kết quả chẩn đoán khá chính xác.

3. Chẩn đoán viêm phổi không điển hình

Ngoài các nghi ngờ biểu hiện sau khi khám lâm sàng, thì chẩn đoán viêm phổi không điển hình các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang sẽ có kết quả chẩn đoán khá chính xác. Do đặc trưng của bệnh viêm phổi không điển hình thường có kết hợp tổn thương ngoài phổi như: tổn thương gan, lách hay cơ tim, tổn thương màng phổi… nên hình ảnh X-quang cũng giúp nhận diện và phân biệt viêm phổi với các bệnh hô hấp khác như viêm phế quản cấp.

Đa số viêm phổi không điển hình ở trẻ em sẽ có giai đoạn tiền triệu chứng nên các bác sĩ cũng có thể cần chỉ định những xét nghiệm khác như: Nuôi cấy dịch tiết từ phổi để tìm vi khuẩn, xét nghiệm kháng thể đặc hiệu trong máu, nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu máu,…

4. Điều trị viêm phổi không điển hình ở trẻ

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, đa số trường hợp điều trị bằng bằng kháng sinh để diệt các vi khuẩn gây bệnh. Nếu trường hợp trẻ bị viêm phổi không nặng thì có thể dùng dạng uống, ngược lại nếu trẻ ở tình trạng viêm phổi nặng, suy thở thì nên dùng dạng kháng sinh tiêm đường tĩnh mạch, kết hợp với thở oxy.

Đa phần những trẻ em bị viêm phổi không điển hình có thể hồi phục hoàn toàn bằng điều trị kháng sinh. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý là phải sử dụng đủ liều kháng sinh cho một đợt điều trị, bởi nếu ngừng kháng sinh quá sớm thì nguy cơ tái phát nhiễm trùng là rất cao.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc để trẻ nhanh khỏi. Cần tăng cường cho trẻ ăn đủ chất, bú đều đặn khi đang bệnh, tránh các tập quán kiêng ăn. Thường xuyên vệ sinh nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để giúp trẻ thở dễ dàng hơn.

Lưu ý nên cho trẻ uống nhiều nước hoặc khuyến khích cho trẻ bú nhiều hơn. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ em bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho và tránh bị mất nước .

Tóm lại: Viêm phổi không điển hình là một trong những dạng viêm phổi mà trẻ thường hay gặp nhất. Hầu hết những trẻ em bị viêm phổi không điển hình bị ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn so với những triệu chứng của loại viêm phổi khác. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, trong một số trường hợp viêm phổi không điển hình có thể dẫn tới các biến chứng viêm phổi nguy hiểm.

Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ, điều trị mách bảo sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Tác giả bài viết: PGS.TS.Bùi Việt Anh

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *