1. Sự lây truyền của bệnh quai bị
Tại nước ta, quai bị là một bệnh phổ biến, phân bố khắp cả nước. Bệnh thường gặp các mùa trong năm, thường bùng phát thành dịch. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong do nhiễm quai bị thường thấp nhưng không ít trường hợp có biến chứng, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
2. Biểu hiện điển hình của bệnh quai bị
– Sau thời kỳ ủ bệnh người bệnh sốt cao đột ngột, có thể lên tới 38 – 39 C, kèm theo đau đầu, mệt mỏi toàn thân, chán ăn và ngủ kém.
Với các triệu chứng này ở giai đoạn đầu của bệnh (giai đoạn tiên phát) có thể nhầm với một số bệnh khác như viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản cấp tính.
– Sau khi sốt cao kéo dài từ 1 đến 3 ngày thì tuyến nước bọt bắt đầu bị sưng to. Đầu tiên là sưng một bên, sau đó tiếp tục sưng tuyến nước bọt bên kia. Đặc điểm là sưng 2 bên không đối xứng: bên sưng to, một bên có thể nhỏ. Một số người bệnh sưng rất to làm cho cằm, cổ bạnh ra gây biến dạng cả bộ mặt. Da của vùng tuyến nước bọt lúc này sưng, căng, bóng, không đỏ, sờ vào vùng da đó thấy nóng và đau.
– Có 3 vị trí đau điển hình của bệnh quai bị: góc thái dương – hàm; điểm mỏm xương chũm và góc xương hàm dưới làm bệnh nhân khó nhai, khó nuốt.
– Kèm theo viêm tuyến nước bọt là sốt. Sốt thường kéo dài trong 5-7 ngày, sau khi hết sốt thì bệnh nhân sẽ thấy hiện tượng sưng tuyến nước bọt cũng giảm dần.
Đặc điểm nổi bật của viêm tuyến nước bọt do virus quai bị là không bị hóa mủ (trừ khi có bội nhiễm thêm vi khuẩn khác), đây là một đặc điểm rất cần được lưu ý trong chẩn đoán bệnh quai bị. Ngoài viêm tuyến nước bọt, virus quai bị còn gây tổn thương cho một số bộ phận khác của cơ thể.
3. Biến chứng teo tinh hoàn rất nguy hiểm
Một trong những bộ phận khác bị tổn thương do virus quai bị là viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới.
– Viêm tinh hoàn do virus quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và thanh thiếu niên. Sau viêm tuyến nước bọt từ 5 đến 7 ngày thì biến chứng viêm tinh hoàn có thể xuất hiện.
Tỷ lệ bị viêm tinh hoàn từ 10 đến 30% nhưng còn tùy thuộc vào từng vụ dịch (tức là phụ thuộc vào độc lực của virus trong vụ dịch đó) và tình trạng sức đề kháng của cơ thể. Đặc điểm nổi bật của viêm tinh hoàn là thường ở một bên, tỷ lệ viêm tinh hoàn 2 bên ít gặp hơn.
Khi bị viêm tinh hoàn thì sốt sẽ trở lại. Đôi khi thân nhiệt còn tăng hơn lúc ban đầu viêm tuyến nước bọt. Tinh hoàn lúc này sưng to, đau. Khi sờ vào tinh hoàn thấy chắc và da bìu bị phù nề rõ rệt, bóng, căng, đỏ…
– Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện viêm thừng tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, thậm chí tràn dịch màng tinh hoàn ở những người bệnh nặng. Viêm tinh hoàn thường kéo dài từ 3 – 5 ngày thì ngưng sốt. Lúc đó tinh hoàn cũng giảm dần độ sưng và giảm đau. 3 – 4 tuần lễ sau đó thì mới hết sưng và hết đau.
Đáng lo ngại nhất của viêm tinh hoàn là biến chứng teo tinh hoàn cần phải theo dõi một thời gian mới có thể biết chắc chắn có bị teo hay không.
Tuy nhiên, người bệnh không nên lo lắng quá vì tỷ lệ teo tinh hoàn do virus quai bị gây ra rất thấp.
Điều nguy hiểm và đáng lo ngại là nếu teo tinh hoàn một bên thì mọi chức năng của tinh hoàn còn lại vẫn có thể hoạt động bình thường, nhưng khi đã bị teo cả 2 bên thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sinh dục và sinh sản của người bệnh.
– Nữ giới khi bị quai bị cũng có thể bị biến chứng viêm buồng trứng tuy rằng chỉ chiếm tỷ lệ thấp hơn.
– Ngoài ra, một số biến chứng như viêm tụy cấp tính, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, giảm bạch cầu… cũng có thể gặp do biến chứng của bệnh quai bị nhưng không nhiều. Tuy vậy, những biến chứng này của bệnh quai bị lại rất nguy hiểm vì có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Chính vì thế khi có dấu hiệu của bệnh nên đưa ngay con em mình đi khám ở các cơ sở y tế và thực hiện những chỉ định mà bác sĩ đưa ra để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Tác giả bài viết: PGS.TS.BS Bùi Khắc Hậu
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn