Ruột là một trong số những cơ quan làm việc tích cực của cơ thể, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn con người ăn vào, hấp thụ chất dinh dưỡng, sử dụng nó để tạo năng lượng và duy trì các chức năng của cơ thể.
Không chỉ vậy, ruột còn giúp giữ cho khả năng miễn dịch của chúng ta cân bằng.
1. Những dấu hiệu phổ biến của đường ruột không khỏe mạnh
Các dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh không chỉ giới hạn ở các triệu chứng tiêu hóa mà còn bao gồm các tác động đối với sức khỏe tổng thể. Một số dấu hiệu dưới đây cảnh báo về tình trạng sức khỏe đường ruột yếu:
Đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng, rối loạn đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón).
Thay đổi cân nặng khó kiểm soát.
Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, ít ngủ.
Thường xuyên mệt mỏi.
Rối loạn tâm lý: dễ kích thích hoặc thường rầu rĩ, thay đổi tâm trạng nhanh.
2. Không dung nạp thực phẩm có phải là vấn đề về đường ruột không?
Một số người có thể cảm thấy khó tiêu hóa một số loại thực phẩm và thường có biểu hiện phản ứng khó chịu như đầy bụng, tiêu chảy… Không dung nạp thực phẩm có thể gây ra một số dấu hiệu và triệu chứng giống như dị ứng thực phẩm, đây là lý do khiến nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai loại này.
Cần phân biệt không dung nạp thực phẩm khác với dị ứng thực phẩm. Không dung nạp thực phẩm có liên quan đến hệ thống tiêu hóa trong khi dị ứng thực phẩm liên quan đến hệ thống miễn dịch. Thực phẩm gây dị ứng có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng hơn so với chứng không dung nạp thực phẩm, bao gồm các vấn đề về tiêu hóa, phát ban hoặc sưng đường hô hấp.
Dị ứng thực phẩm thực sự ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, thậm chí chỉ một lượng nhỏ thực phẩm dị ứng cũng có thể gây ra một loạt các triệu chứng, có thể nghiêm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng. Trong khi đó không dung nạp thức ăn thường chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Hiện nay có thể thực hiện xét nghiệm đánh giá khả năng dung nạp thực phẩm.
3. Các biện pháp tự nhiên cải thiện sức khỏe đường ruột
Ăn thực phẩm lên men thường xuyên
Ăn ít đường và chất ngọt
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy những chất làm ngọt nhân tạo như sucralose, aspartame có thể gây rối loạn vi khuẩn đường ruột tốt và phá hủy sự đa dạng của hệ vi sinh vật theo cách có thể cản trở cơ chế tự nhiên của hệ tiêu hóa.
Tập thói quen ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc
Bỏ hút thuốc hoàn toàn
Ăn chậm
Bổ sung men vi sinh và prebiotic
Probiotics (men vi sinh) là hỗn hợp các vi khuẩn sống trong đường ruột khỏe mạnh, được gọi là những “vi khuẩn tốt bụng” giúp cơ thể bảo vệ chống lại một số các vi khuẩn có hại, nấm và siêu vi. Thường xuyên bổ sung qua chế độ ăn uống hằng ngày với số lượng đầy đủ sẽ tạo ra những ảnh hưởng có lợi lên sức khỏe tổng thể, đặc biệt là hệ tiêu hoá. Chúng hiện diện trong sữa chua, sữa, pho mai, dưa chua, kim chi…
Prebiotics là loại chất xơ không được tiêu hóa trong ruột non mà di chuyển đến ruột kết và lên men ở đó để cung cấp “thức ăn” cho men vi sinh có lợi cho đường ruột. Một số thực phẩm chứa prebiotics như các loại đậu, đậu Hà Lan, yến mạch, chuối, các loại quả mọng, măng tây, tỏi, hành tây…
Ngoài lợi ích là thức ăn cho lợi khuẩn tốt cho sức khỏe đường ruột, prebiotics trong thực phẩm giàu chất xơ còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp no lâu hơn, ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến, giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch… Cách dễ nhất để có đủ prebiotics vào chế độ ăn uống là ăn nhiều rau và trái cây. Đặt mục tiêu bao gồm nhiều rau lá xanh hơn trong chế độ ăn hàng ngày và cắt giảm dần đồ ăn vặt.
Cùng với những lời khuyên đã nói ở trên, một số tư thế yoga và hoạt động thể chất có thể giúp bạn duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Hãy tăng cường vận động và tập thể dục phù hợp.
Tác giả bài viết: ThS.BSCKII Hà Phan Thắng
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn