Ca COVID-19 tăng, bệnh nhân nặng cũng tăng
Bộ Y tế ngày 11/4 cho biết có 183 ca mắc COVID-19, tăng 70 ca so với ngày trước đó. Và đây cũng là ngày có số mắc cao nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngày 8/4, số ca mắc COVID-19 ở nước ta cũng tăng lên con số 122 ca.
Đây là 2 mốc ca mắc COVID-19 tăng cao ở nước ta, sau rất nhiều ngày kể từ đầu năm 2023, số mắc chỉ ở con số vài ca/ ngày hoặc nhiều lắm là hơn 50 ca/ ngày, thậm chí có ngày chỉ 3-4 ca mắc mới.
Số ca COVID-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là thành phố Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cũng nhận định trong tuần qua, số ca COVID-19 tăng so với tuần trước.
Riêng tại BV Thanh Nhàn, trong những ngày gần đây số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mạnh. Nếu như trong tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân, thì từ đầu tháng 4 đến nay con số này đã tăng gấp 3 lần, là 75 bệnh nhân.
Tuần qua trung bình mỗi ngày có 10 đến 15 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện có 10 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Tất cả đều trên 60 tuổi, có mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư…
Điều đáng nói là có những bệnh nhân điều trị COVID-19 tại đây đều thuộc đối tượng cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 nhưng hầu hết mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi, thậm chí có người chưa tiêm mũi nào.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 11/4 đang điều trị cho 74 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 10 ca thở oxy kính.
Tại Lào Cai, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai), từ ngày 7/4 đến ngày 10/4 đã ghi nhận 52 ca mắc COVID-19 đều là cán bộ, giáo viên và học sinh Trường trung học cơ sở Khánh Yên.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.528.042 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.500 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã điều trị khỏi là: 10.615.134 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ là 10 ca. Đây là ngày có số bệnh nhân nặng đang điều trị nhiều nhất trong vài tuần qua.
Đến nay, gần 3,5 tháng liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19
Theo thống kê của đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, đến nay, cả nước đã tiêm tổng số vaccine COVID-19 là 266.058.420 mũi.
Số mũi tiêm thực hiện trong ngày 11/4: 25.801 mũi tiêm tại 16 tỉnh, trong đó 22.140 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 3.661 mũi tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi. Đây là ngày có số mũi tiêm cao so với những ngày trước đó.
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên:
– Tiêm mũi 3: Tổng số có 52.027.484 mũi tiêm (81,6%) trong ngày có 9 tỉnh triển khai với 17.053 người được tiêm
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (65,5%), Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,4%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%).
– Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.725.521 mũi tiêm (88,5%), trong ngày có 10 tỉnh triển khai với 4.509 người được tiêm
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.813.288 mũi tiêm (69,3%)
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Quảng Ngãi (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP. HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (111,3%); Sóc Trăng (103,5%).
Nhóm từ 5 – dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.613.135 mũi tiêm:
– Mũi 1: 10.199.869 mũi tiêm (92,4%)
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,6%); Hải Phòng (72,7%); Đà Nẵng (68,6%); TP HCM (64,9%), Bà Rịa – Vũng Tàu (77%)
– Mũi 2: 8.413.266 mũi tiêm (76,2%)
- Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (57,4%); Đà Nẵng (37,3%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (41,7%), Bà Rịa – Vũng Tàu (52,4%)
Chuyên gia khuyến cáo gì để phòng chống dịch bệnh?
Các chuyên gia nhận định số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, còn do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, khử khuẩn thường xuyên của nhiều người dân. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm tại một số nơi còn thấp cũng khiến ca COVID-19 mắc, ca nhập viện có dấu hiệu gia tăng.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gen, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.
Cùng đó, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Nước ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế, đo dó tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất có thể xâm nhập vào nước ta.
Người dân cần chú ý các vấn đề dự phòng, đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ…
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý: Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tác giả bài viết: Thái Bình
Nguồn tin: Báo Sức khỏe và Đời sống