Túi mật chứa và cô đặc mật, một loại dịch tiêu hóa được gan tiết ra liên tục. Trong cơ thể, gan sản xuất mật rồi chuyển xuống ống mật, dự trữ ở túi mật.
Đến bữa ăn, túi mật co bóp chuyển dịch mật trong túi mật vào tá tràng giúp tiêu hóa thức ăn. Khi bị cắt túi mật, dịch mật từ gan đưa thẳng uống tá tráng không được cô đặc, dự trữ ở túi mật nên ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, gây ra một số biến chứng.
Chức năng quan trọng nhất của mật giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thu chất béo cũng như vitamin tan trong dầu như A,D,E,K. Triệu chứng có thể xuất hiện sau khi cắt túi mật là viêm dạ dày, sốt, vàng da, ngứa, tiêu chảy, chán ăn, chậm tiêu, táo bón…
Do đó, sau khi cắt mật nên ăn đồ ăn dễ tiêu, hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đồ ăn chiên rán, thực phẩm nhiều đường. Ăn đủ chất xơ, rau, củ, quả cho sức khỏe, ăn chín uống sôi, tẩy giun 6 tháng/lần.
Chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức. Nên kiểm tra chức năng gan, tụy tại các cơ sở y tế uy tín để đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể.
1. Thảo dược bổ gan sau khi cắt túi mật
– Atisô: Có tác dụng kích thích gan tiết mật, hỗ trợ làm sạch các độc tố trong gan. Trong rễ, thân, lá, hoa của atisô chứa cynarin và silynamin, là hai hoạt chất chống oxy hóa, phục hồi chức năng gan.
Sử dụng atisô dưới dạng trà dễ làm, được nhiều lựa chọn. Trà tươi dùng 10-20g sắc với nước uống mỗi ngày. Trà khô 5-10g hãm nước uống. Đối với loại đóng túi, dùng 2-3 túi/ngày.
– Diệp hạ châu (cây chó đẻ răng cưa): Diệp hạ châu là thảo dược giải độc, mát gan, hạn chế sự phát triển của virus viêm gan, giải độc gan.
Diệp hạ châu rửa sạch, ngâm vào trong nước sạch một đêm, sau đó nấu lấy nước uống hàng ngày. Có thể phơi khô, bảo quản nơi thoáng mát, ngày dùng 10-16g hãm lấy nước uống.
– Kim tiền thảo: Cây kim tiền thảo còn có tên gọi là mắt trâu, đồng tiền lông, vảy rồng, mắt rồng. Là cây cỏ, cao 30-50cm, mọc bò. Kim tiền thảo là thảo dược uống mát gan rất tốt, dùng để chữa bệnh sỏi mật, viêm gan, vàng da.
Liều dùng hàng ngày 15-30g, sắc hoặc hãm nước uống.
– Cà gai leo: Theo y học cổ truyền, cà gai leo có tính ấm, vị hơi the có tác dụng tiêu độc, tán phong thấp, giải rượu, giải độc gan, trị gan nóng, gan yếu rất hữu hiệu.
Ngoài ra, thảo dược còn có thể thải độc gan, hạ men gan, chống oxy hóa, kích thích quá trình tái sinh tế bào gan, ức chế sự phát triển của một số dòng ung thư gan (Hp 3B, PLC/PRF), giúp giảm ngứa, hạ mỡ máu. Mỗi ngày dùng 30g sắc uống.
– Nhân trần: Theo sách cổ phương, nhân trần vị hơi đắng, ngọt, tính hơi hàn, quy vào kinh tỳ, vị, can đởm, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng dùng để chữa chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi.
Dùng nhân trần 15g sắc uống hàng ngày.
2. Lưu ý khi sử dụng các loại thảo dược bổ gan
- Không dùng cho bệnh nhân có dị ứng với thuốc thảo dược.
- Khi sử dụng thảo dược cần có sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ.
- Thuốc phải đảm bảo chất lượng, được mua ở các cơ sở y tế uy tín, không dùng thuốc ẩm mốc, kém chất lượng.
- Sử dụng thuốc thảo dược theo hướng dẫn, không lạm dụng để tránh phản tác dụng.
Tác giả bài viết: BS. Vũ Duy Thành
Nguồn tin: Bệnh viện Đa khoa Nông Cống, Thanh Hóa