4 nguyên tắc phòng ngừa thoái hóa cột sống cần biết

4 nguyên tắc phòng ngừa thoái hóa cột sống cần biết
Thoái hóa cột sống là một trong những triệu chứng bệnh lý liên quan đến xương khớp rất phổ biến hiện nay. Thoái hóa cột sống thường xuất hiện ở lứa tuổi 35- 40, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt đối với dân văn phòng.

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống gây ra những cơn đau nhức vùng lưng, cổ, vai gáy… làm ảnh hưởng đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng khó lường.

Bệnh thoái hóa cột sống chủ yếu do ngoại cảnh và môi trường tác động. Chế độ ăn uống không hợp lý, không đầy đủ, thiếu chất; làm việc quá sức, lao động nặng quá sớm, mang vác nặng từ nhỏ, khi mà khung xương còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa định hình, hoàn thiện.

Ngoài ra, thoái hóa cột sống do có phương pháp tập luyện thể dục thể thao không hợp lý… chính là những nguyên nhân khiến bệnh có xu hướng phát triển sớm.

Ngồi học, ngồi làm việc trong thời gian lâu cùng những động tác uốn, cong sai quy cách hay thậm chí việc thiếu ngủ cũng là các nguyên nhân gây thoái hóa cột sống.

thoai hoa cot song 1693397425882697512750
Thoái hóa cột sống gây ra những cơn đau nhức vùng lưng, cổ, vai gáy… làm ảnh hưởng
đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phân loại thoái hóa cột sống

Có 2 dạng thoái hóa thường gặp đó là thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa đốt sống lưng. Tùy thuộc vào vị trí bị thoái hóa mà triệu chứng của bệnh cũng có sự đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên, triệu chứng điển hình của người thoái hóa cột sống là những cơn đau âm ỉ, thường xuyên dọc vị trí cổ và thắt lưng.

Các triệu chứng diễn ra theo chu kỳ từ 1 đến 2 ngày rồi giảm dần các cơn đau, một thời gian lại tiếp tục tái phát. Mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng thoái hóa cột sống có thể khiến các vận động bình thường của người bệnh gặp khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau nhức, khó chịu. Đặc biệt, nếu bệnh không được chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng như: Gây biến dạng cột sống, chèn ép các rễ thần kinh, thị lực suy giảm, tổn thương đĩa đệm và cột sống…

– Nếu bị ở thắt lưng, người bệnh thường đau phần dưới của lưng âm ỉ, có thể đau đột ngột sau khi mang vác nặng, sau khi vận động nhiều, sau khi thay đổi tư thế hoặc thay đổi thời tiết. Đau liên tục hoặc từng đợt, hay tái phát, có khi đau phối hợp với đau thần kinh tọa. Cột sống thắt lưng có thể biến dạng, vẹo làm hạn chế vận động. Nếu được nằm nghỉ, người bệnh thường giảm đau.

– Nếu thoái hóa vùng cổ, bệnh nhân sẽ thấy nhức đầu vùng thái dương, trán, hai hố mắt vào buổi sáng, có khi tê tay do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép kèm theo chóng mặt, ù tai, nhức đầu, hoa mắt, cột sống cổ biến dạng, vẹo, hạn chế vận động, co cứng cạnh cổ. Đau vùng cổ gây cấp hoặc mãn, hạn chế vận động, đau tăng khi mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng hay khi thay đổi thời tiết.

dau lung 16824790566441615496140
Cho dù ở nguyên nhân nào khiến bạn bị đau lưng đi chăng nữa thì cách tốt nhất là hãy gặp bác sĩ để được điều trị đúng nguyên nhân. Ảnh minh họa

Cách phòng ngừa thoái hóa cột sống

Theo các nghiên cứu bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng người bệnh, tuy nhiên sự tàn phá của thoái hóa cột sống đối với sức khỏe là điều vô cùng đáng sợ.

Để phòng tránh căn bệnh này, chúng ta cần nắm rõ những nguyên tắc dưới đây:

– Thăm khám định kỳ: Thăm khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ nhằm phát hiện các dị tật của cột sống để điều trị kịp thời.

– Thay đổi thói quen xấu: Giáo dục bệnh nhân thoái hóa cột sống tránh cho cột sống bị quá tải bởi trọng lượng và vận động, tránh các động tác mạnh đột ngột, giảm cân nặng với những người béo phì.

– Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý: Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều thực phẩm chứa canxi, vitamin, glucosamine, omega-3…

– Tập luyện phù hợp: Chăm chỉ tập luyện để tăng sự dẻo dai cho cột sống. Đối với những người đã và đang bị thoái hóa, các bài tập là một phần vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và hồi phục.

Tuy nhiên nếu tình trạng bệnh phức tạp cần đi gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và chỉ định điều trị phù hợp, hiệu quả, an toàn nhất.

Tác giả bài viết: TS.BS Vũ Thị Thanh Hoa

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *