Ngoài ra, sữa chua còn giàu vitamin và khoáng chất như vitamin B2, vitamin B12, phốt pho, canxi, magie và kali. Ăn sữa chua mỗi ngày hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng cách tạo môi trường thuận lợi giúp một lượng lớn các vi khuẩn có lợi phát triển từ đó bảo vệ hệ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
1. Sữa chua tốt cho sức khỏe nhưng nên tránh ăn cùng một số thực phẩm
Để tăng cường sức khỏe tiêu hóa cũng như sức đề kháng cho cơ thể, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị sử dụng sữa chua hàng ngày, nhằm tối ưu hệ vi sinh đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó nâng cao đề kháng, phòng chống bệnh tật cho cơ thể. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng việc kết hợp sữa chua với một số thực phẩm không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa hoặc có thể dẫn đến nổi mụn trên da.
Dưới đây là một số thực phẩm nên tránh ăn cùng với sữa chua:
Không ăn đồ nhiều dầu mỡ cùng sữa chua
Tránh ăn cá và sữa chua cùng nhau
Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên nên tránh ăn nhiều nguồn protein cùng một lúc. Cả cá và sữa chua đều có hàm lượng protein cao và sự kết hợp của nhiều loại protein có thể dẫn đến chứng khó tiêu và các vấn đề về da. Ăn sữa chua ngay sau khi ăn cá gây khó tiêu hoặc một số vấn đề khác liên quan đến dạ dày.
Không nên tiêu thụ sữa tươi và sữa chua cùng một lúc
Tiêu thụ sữa và sữa chua cùng nhau có thể gây tiêu chảy, ợ chua và chướng bụng. Điều này nghe có vẻ lạ nhưng thực tế là việc kết hợp sữa và sữa chua có thể gây dư acid, ợ chua, tiêu chảy và đầy hơi. Sữa chua được làm bằng quá trình lên men sữa, vì cả hai nguồn protein đều chứa nhiều chất béo nên tốt nhất là tránh ăn những thực phẩm này cùng một lúc.
Nên tránh kết hợp xoài với sữa chua
Nhiều người rất yêu thích món xoài kết hợp với sữa chua, tuy nhiên kết hợp sữa chua với các loại trái cây có tính acid như xoài, cam, quýt sẽ khiến cho lượng acid trong cơ thể tăng cao, không tốt cho người có bệnh về tiêu hóa như đau dạ dày, bệnh đường ruột,…
2. Một số lưu ý khi ăn sữa chua để tốt cho sức khỏe
Tuy sữa chua mang đến những lợi ích sức khỏe tuyệt vời nhưng cũng cần ăn sữa chua với liều lượng hợp lý. Liều lượng phù hợp là mỗi ngày chỉ nên dùng 1 – 2 hộp sữa chua (mỗi hộp sữa chua thông thường khoảng 100ml).
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm khuyến nghị, khẩu phần ăn sữa chua với từng độ tuổi khác nhau. Trẻ đến tuổi ăn dặm thì có thể cho ăn một chút sữa chua, ban đầu từ từ 1-2 thìa đến 1/3, 1/4 hộp và từ 1-2 tuổi có thể ăn 1-2 hộp sữa chua mỗi ngày. Người trưởng thành và người cao tuổi cũng chỉ nên ăn 1-2 hộp mỗi ngày, không nên ăn quá nhiều.
Không nên ăn sữa chua ngay khi lúc đói mà nên ăn thành bữa nhẹ sau bữa chính tầm 30 phút – 1 giờ. Tuy sữa chua có rất nhiều vi khuẩn tốt giúp ích cho hệ tiêu hóa nhưng nếu ăn sữa chua vào lúc bụng rỗng sẽ làm tăng lượng acid, dẫn đến viêm loét dạ dày.
Tuyệt đối không nên đun nóng sữa chua trước khi ăn. Việc đun nóng sữa chua sẽ làm mất đi các lợi khuẩn. Nếu không muốn ăn sữa chua lạnh, nên để hộp sữa chua ngoài nhiệt độ phòng khoảng 10-15 phút, hoặc ngâm cả hộp sữa chua vào bát nước ấm cho bớt lạnh trước khi ăn.
Việc bảo quản sữa chua để giữ được dinh dưỡng và đảm bảo lợi khuẩn cần thiết cũng nên được chú ý. Khuyến nghị tốt nhất là sữa chua phải được bảo quản kín, được để ở nhiệt độ phù hợp từ 4-8 độ C thì sẽ không bị đông đá và giữ được độ mềm mịn và hương vị thơm ngon. Khi bảo quản sữa chua ở nhiệt độ quá lạnh thì lợi khuẩn bị đông đá và bị chết đi ít nhiều. Còn nếu bảo quản sữa chua ở nhiệt độ cao hơn 8 độ C thì lợi khuẩn sẽ sinh sôi nhiều khiến sữa bị chua hơn, làm thay đổi mùi vị và giảm dưỡng chất có trong sữa chua.
Tác giả bài viết: Thiên Châu
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn