Ai cũng biết vận động dù ít hay nhiều đều có lợi cho sức khỏe. Nhưng để việc tập luyện trở thành thói quen như ‘cơm ăn nước uống’ hàng ngày thì không phải ai cũng thực hiện được…
1. Lợi ích của luyện tập thường xuyên
– Giúp kiểm soát cân nặng: Cùng với chế độ ăn uống, tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa béo phì.
Để duy trì cân nặng, lượng calo bạn ăn và uống phải bằng năng lượng bạn đốt cháy. Để giảm cân, bạn phải sử dụng nhiều calo hơn lượng bạn ăn và uống.
– Giúp cơ thể quản lý lượng đường trong máu và insulin: Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu và giúp insulin của bạn hoạt động tốt hơn. Điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh đái tháo đường type 2. Nếu bạn đã mắc một trong những bệnh này, tập thể dục có thể giúp bạn kiểm soát tốt triệu chứng.
– Giúp cai thuốc lá: Tập thể dục có thể giúp bỏ hút thuốc dễ dàng hơn bằng cách giảm cảm giác thèm thuốc và các triệu chứng cai nghiện. Nó cũng có thể giúp hạn chế cân nặng mà bạn có thể tăng lên khi ngừng hút thuốc.
– Cải thiện sức khỏe tinh thần và tâm trạng: Trong khi tập thể dục, cơ thể giải phóng các hóa chất có thể cải thiện tâm trạng và khiến bạn cảm thấy thư thái hơn. Điều này có thể giúp bạn đối phó với căng thẳng và giảm nguy cơ trầm cảm.
– Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Tập thể dục tăng cường sức khỏe tim và cải thiện lưu thông máu. Khi lưu lượng máu tăng lên làm tăng nồng độ oxy trong cơ thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim như cholesterol cao, bệnh động mạch vành và đau tim. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể làm giảm huyết áp và mức chất béo trung tính.
– Giúp giữ cho kỹ năng suy nghĩ, học tập và phán đoán sắc bén khi cơ thể già đi: Tập thể dục kích thích cơ thể giải phóng protein và các hóa chất khác giúp cải thiện cấu trúc và chức năng của não.
– Tăng cường xương và cơ bắp: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên xây dựng xương chắc khỏe, làm chậm quá trình mất mật độ xương do tuổi tác. Thực hiện các hoạt động tăng cường cơ bắp có thể giúp bạn tăng hoặc duy trì khối lượng và sức mạnh cơ bắp.
– Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư: Bao gồm ung thư ruột kết, vú, tử cung và phổi.
– Giảm nguy cơ té ngã: Đối với người lớn tuổi, nghiên cứu cho thấy rằng thực hiện các hoạt động giữ thăng bằng và tăng cường cơ bắp bên cạnh hoạt động aerobic cường độ vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ té ngã.
Ngoài ra, tập luyện thể dục thường xuyên có thể cải thiện giấc ngủ, cải thiện sức khỏe tình dục, tăng tuổi thọ và tăng số năm sống độc lập.
2. Cách tạo lập thói quen tập thể dục hàng ngày
Thói quen là một khuôn mẫu hành vi mà chúng ta thực hiện lặp đi lặp lại và nhất quán. Các thói quen thường diễn ra một cách tự động và càng làm nhiều thì chúng càng ăn sâu vào não đến mức não không cần suy nghĩ mà các hoạt động của cơ thể vẫn diễn ra suôn sẻ theo đúng trình tự giống như khi lái xe.
Cách tạo thói quen tập thể dục:
2.1 Chia nhỏ thời gian tập
Bạn không cần phải tập tất cả các bài tập cùng một lúc mà có thể chia nhỏ cho phù hợp với hoạt động và công việc trong ngày. Mười phút tập thể dục buổi sáng, 10 phút buổi trưa và 10 phút buổi tối có thể mang lại nhiều lợi ích như 30 phút cùng một lúc.
2.2 Tập thể dục với một người bạn
Tìm một đối tác tập luyện có thể giúp bạn có động lực hơn khi bắt đầu và duy trì thói quen này.
2.3 Lập kế hoạch và luôn sẵn sàng tập luyện
Chọn thời gian và ngày mà bạn biết rằng bạn có thể tập thể dục, ngay cả khi chỉ trong 5 phút như lên kế hoạch đi bộ sau bữa trưa hàng ngày hoặc đi bộ sau bữa tối.
Mặc quần áo tập luyện ngay khi bạn thức dậy hoặc ngay khi bạn đi làm về.
Thực hiện một số hoạt động lành mạnh khác trước khi tập luyện như uống một cốc nước, hít thở sâu, đi bộ nhanh hoặc tập vài động tác vươn vai. Đôi khi, thực hiện một hành động đơn giản có thể khiến bạn có suy nghĩ tập thể dục.
Viết ra kế hoạch tập luyện của bạn và đặt nó cạnh giường để đó là thứ đầu tiên bạn nhìn thấy khi thức dậy.
2.4 Một số cách tạo thói quen khác
- Thực hiện bất kỳ hoạt động nào bạn ưa thích.
- Đăng ký một lớp học.
- Tự thưởng cho mình khi đạt được những mục tiêu ngắn hạn đề ra để có động lực tiếp tục tập luyện.
- Cắt giảm thời gian sử dụng máy tính, điện thoại… để hạn chế “thời gian ngồi” và thay vào khoảng thời gian đó là di chuyển xung quanh, bằng cách đến phòng tập thể dục hoặc dọn dẹp nhà cửa.…
- Tập trung vào mục tiêu tạo thói quen để bạn không bị áp lực với việc giảm hay giữ vững cân nặng.
Lê Mỹ Giang
Nguồn tin: Báo sức khỏe đời sống