Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường. Từ đó chèn ép vào ống sống hoặc rễ thần kinh gây nên tình trạng đau nhức hoặc tê bì.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm thường gặp ở bệnh nhân sai tư thế do bê vác đồ nặng hoặc vận động sai tư thế (cúi/ngửa đột ngột). Những người làm việc trong môi trường cần ngồi lâu, ngồi nhiều cũng có thể gây ảnh hưởng đến cột sống và lâu ngày có thể dẫn tới thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân như:
– Chấn thương cột sống
– Tuổi cao
– Các bệnh lý bẩm sinh: cong, gù vẹo cột sống
– Cân nặng cũng là yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm do những người thừa cân, béo phì sẽ làm tăng, dồn trọng lực xuống cột sống.
Biểu hiện thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm triệu chứng là gì? Triệu chứng ban đầu của người mắc thoát vị đĩa đệm là đau tại vùng cột sống (cột sống cổ, cột sống thắt lưng). Cơn đau có thể lan xuống vai , cánh tay, mông, cẳng chân.
Ngoài ra người bệnh có thể có các dấu hiệu như:
– Tê bì tay chân do hội chứng rễ thần kinh chèn ép.
– Trong trường hợp nặng có thể teo cơ hoặc liệt nửa người.
Thoát vị đĩa đệm có điều trị khỏi được không?
Hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào tình trạng bệnh và tinh thần của người bệnh khi điều trị. Với những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm điều trị ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ hồi phục càng cao. Có khoảng 95% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm điều trị ở giai đoạn sớm có thể điều trị bảo tồn, không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm cần sự kiên trì và lâu dài. Vì vậy bệnh nhân cần nỗ lực tuân thủ theo phác đồ điều trị.
Nếu không điều trị thoát vị đĩa đệm sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:
– Khi nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí bình thường, sẽ chèn ép vào rễ thần kinh, hẹp ống sống. Điều này có thể gây nên tình trạng yếu hoặc liệt nửa người. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất.
– Thoát vị đĩa đệm nếu không điều trị sẽ gây ra tình trạng rối loạn cảm giác. Ban đầu bệnh nhân có thể bị tê bì tại vùng tổn thương. Lâu dần có thể mất cảm giác (không cảm nhận được nhiệt độ).
– Rối loạn đại tiểu tiện.
– Bệnh nhân lâu ngày không vận động có thể dẫn tới teo cơ đặc biệt là cơ tay, cơ chân.
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Bệnh nhân mắc thoát vị đĩa đệm cần có chế độ sinh hoạt hợp lý. Lưu ý không được bê vác đồ nặng và luôn luôn giữ, cột sống cổ, thắt lưng ở tư thế thẳng.
Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, cần hạn chế thay đổi tư thế đột ngột, cúi/ngửa đột ngột. Đối với dân văn phòng không nên ngồi quá lâu. Sau khoảng 30-45 phút ngồi làm việc nên đứng dậy vận động, đi lại từ 3- 5phút.
Ngoài ra, để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm có thể lựa chọn các môn thể thao như đu xà, bơi lội. Các môn thể thao này có tác dụng làm giãn cột sống, hạn chế nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Khi nào đau lưng nên đi khám bác sĩ
Đau lưng cũng có thể là biểu hiện của thoát vị đĩa đệm. Nếu người bệnh có biểu hiện đau tại vùng cột sống thắt lưng, ban đầu cơn đau có thể âm ỉ, khi cúi/ngửa hoặc vận động cơn đau xuất hiện dữ dội hơn, đau kèm theo lan xuống mông đùi. Lúc này nên đi khám tại các cơ sở y tế. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Trong trường hợp đau lưng sau 5 ngày nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý mà thấy cơn đau vẫn xuất hiện người bệnh cũng nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Tác giả bài viết: BS Nguyễn Ngọc Định
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn