Âm thư là tình trạng vết thương dạng ung nhọt do dương hư gây ra. Đây được xem là một bệnh lý dai dẳng khó chữa, xuất hiện nhiều trong các bệnh lý da liễu, bệnh lý viêm của tuyến vú, các vết thương loét mạn tính của tứ chi…
Thuật ngữ âm thư lần đầu tiên xuất hiện trong quyển “Ngoại khoa chứng trị toàn sinh tập” được viết bởi Vương Hồng Tự. Trong đó ông đã mô tả tính chất của chứng này đồng thời đưa ra bài thuốc điều trị với tên gọi là Dương hòa thang.
Trong lý luận về nguyên nhân sinh ra chứng âm thư, Vương Hồng Tự cho rằng, do cơ thể dương hư mà khí cơ sẽ không lưu thông, dẫn đến tình trạng huyết ứ tại vùng bị thương. Cũng do dương hư mà lâu ngày sự lưu thông của thủy dịch càng đình đọng, làm cho đàm thấp tích tụ tại vùng kinh mạch bị bệnh gây ra nung mủ. Đàm thấp này lại càng làm cho khí huyết thêm tắc trở, sang thương ngày càng lan rộng từ bì phu đến cơ nhục rồi ăn sâu vào cốt tủy.
Người có vết thương dạng ung nhọt thường rất khó lành, vết thương ăn sâu, màu da thường tái sạm, sưng nhiều, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm tế hoặc trầm trì.
Bài thuốc Dương hòa thang sử dụng cho chứng âm thư có tác dụng ôn dương tán hàn, giúp tiêu ung mau lành vết thương.
Thành phần bài thuốc gồm:
- Thục địa 40g
- Lộc giác giao 12g
- Quế nhục 4g
- Thán khương 2g
- Bạch giới tử 8g
- Ma hoàng 2g
- Cam thảo 4g
Cách sử dụng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
2. Phối ngũ các vị thuốc trong bài thuốc Dương hòa thang
Về cấu trúc phối ngũ của bài thuốc:
– Thục địa dùng trong bài thuốc có tác dụng tư âm dưỡng huyết, bổ tinh tủy, kết hợp với lộc giác giao (cao nấu từ sừng hươu) có tác dụng ích tủy dưỡng huyết, ôn thận bổ dương. Hai vị thuốc phối hợp với nhau giúp bổ phần hình thể cơ nhục bị mất.
– Quế nhục và thán khương là hai vị thuốc giúp ôn tỳ thận dương, giúp tán hàn ích khí hoạt huyết, dẫn dược tính của thục địa và lộc giác giao vào nơi bệnh, khi dương khí đầy đủ thì huyết mới lưu thông, mới có tác dụng lành thương.
– Ma hoàng và bạch giới tử tính cay ấm có tác dụng tán hàn ở bì phu cơ nhục, giúp dược tính của các vị thuốc thăng phát ra ngoài biểu. Hai vị thuốc này cũng có thể làm cho thục địa và lộc giác giao bổ mà không trệ. Ngược lại, thục địa và lộc giác giao giúp ma hoàng và bạch giới tử tán hàn mà không tổn âm, thông khí mà không tổn chính, ôn ấm dương khí của kinh lạc mà không động.
– Cam thảo được sử dụng vừa giúp tiêu độc vừa giúp điều hòa các loại thuốc.
3. Hiệu quả của bài thuốc Dương hòa thang
Được sử dụng từ rất lâu đời, ngày nay bài thuốc Dương hòa thang đã được nghiên cứu cũng như ứng dụng trên lâm sàng trong mặt bệnh ngoại khoa.
Trong nghiên cứu của Xing Zhang và cộng sự năm 2020, khi so sánh hai nhóm người bệnh viêm tuyến vú dạng hạt (idiopathic granulomatous mastitis) vốn đều được điều trị bằng phẫu thuật cắt lọc, nhóm nghiên cứu đã thấy rằng ở nhóm được phẫu thuật kèm dùng bài thuốc Dương hòa thang có thời gian lành bệnh trung bình ngắn hơn nhóm chỉ được phẫu thuật đơn thuần.
Hơn nữa, tỷ lệ lành bệnh có sử dụng kèm thuốc thang cao hơn hẳn so với nhóm chỉ được phẫu thuật và tỷ lệ tái phát cũng thấp hơn đáng kể. Nghiên cứu này cũng đã mở ra một hướng mới trong kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong việc điều trị và chăm sóc hậu phẫu ở những bệnh lý ngoại khoa, giúp ích trong việc lành vết thương, giảm thiểu nguy cơ bội nhiễm.
Hanting Xia và cộng sự vào năm 2020 cũng đã có báo cáo tổng hợp về cơ chế dược lý hiện đại của bài thuốc này. Trong đó bài thuốc cho thấy giúp tăng khả năng sống sót của tế bào sụn chống lại quá trình chết theo chương trình do IL-1β gây ra và glycosaminoglycan được bảo tồn trong chất nền ngoại bào, giúp duy trì tính toàn vẹn của chất nền ngoại bào, đồng thời bài thuốc cũng có khả năng làm giảm phản ứng viêm.
4. Bài thuốc Dương hòa thang không dùng cho trường hợp nào
Tuy có hiệu quả cao, nhưng không phải trường hợp tổn thương nào cũng có thể sử dụng được bài thuốc Dương hòa thang. Tác giả Vương Hồng Tự chỉ sử dụng bài thuốc này trong thể âm thư với cơ địa dương hư.
Ngược lại, nếu người bệnh âm hư nội nhiệt hoặc với tổn thương thực nhiệt thì không thể dùng, và nếu dùng nhầm sẽ có thể làm bệnh nặng hơn, do đó trên lâm sàng cần được chẩn đoán và điều trị thận trọng.
Tác giả bài viết: ThS.BS. Nguyễn Trọng Tín
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3
Nguồn tin: Báo sức khỏe và Đời sống