Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh mùa nóng

Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh mùa nóng
Trẻ sơ sinh có sức đề kháng còn non yếu, đặc biệt là làn da nhạy cảm, khiến cho các tế bào da dễ kích ứng, bụi bẩn dễ dàng trú ngụ. Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ trở thành mãn tính, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ.

Cần cảnh giác với viêm da mủ ở trẻ sơ sinh

Trên thực tế tại phòng khám thường xuyên ghi nhận trẻ sơ sinh nhập viện do viêm da, nhất là trong mùa nóng.

Điển hình mới đây các bác sĩ đã tiếp nhận một trường hợp trẻ sơ sinh 20 ngày tuổi, nhập viện trong tình trạng trên da nổi nhiều mụn nước đã vỡ khắp người, đặc biệt vùng cánh tay và mặt có nhiều nốt mủ trắng thành đám với kích thước lớn.

Theo lời kể của mẹ bé, lúc bé được 4 ngày tuổi gia đình thấy trên da của bé có nhiều nốt mủ nước, bé quấy khóc nhiều. Do lo sợ tắm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, nên ông bà nội đã không tắm cho trẻ, mà chỉ lau người bé bằng khăn ướt ấm, thay tã và quần áo. Tuy nhiên, càng ngày da bé càng nhiều mụn, quấy khóc nhiều hơn và không chịu bú.

1 16279630306981926467580 0 0 336 537 crop 16279630400081948869367

Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán bệnh nhi cần theo dõi viêm da, dị ứng và chốc. Đây chỉ là một trong nhiều trẻ đã được các bác sĩ tiếp nhận và điều trị.

Khi thời tiết nắng nóng, da bé đổ nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho vi khuẩn bám lại trên da. Chính vì lẽ đó, viêm da mủ ở trẻ em thường bùng phát mạnh vào mùa hè. Viêm da có mủ ở trẻ sơ sinh cần được phát hiện và điều trị đúng cách, để không bị lây nhiễm trên diện rộng và gây biến chứng nguy hiểm.

Viêm da mủ hình thành chủ yếu do 2 loại vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) và liên cầu (Streptococcus). Khi gặp điều kiện thuận lợi vi khuẩn tăng độc tính, gây nên nhiễm trùng trên da.

Trẻ bị viêm da mủ thường có biểu hiện là những mụn mủ nhỏ, có kích thước từ vài milimet đến vài centimet.

Các mụn này có thể rải rác đơn độc hoặc tập trung thành từng cụm. Thời gian đầu có thể là những dát hồng trên da, sau đó xuất hiện tổn thương mụn nước hóa mủ, có thể gây đau nhức.

Các vị trí hay gặp là da vùng tay chân, vùng bẹn, nách, cổ… đây là những vùng khó vệ sinh, dễ ra mồ hôi. Ngoài ra, triệu chứng toàn thân trẻ có thể có sốt cao, nổi hạch tại hệ thống hạch liền kề, viêm nề tấy đỏ tại chỗ, hoại tử da… Nặng hơn có thể gây tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu, gây tình trạng nguy hiểm cho trẻ.

viem da mu co lay khong 03 2 168528012994146936703
Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ trở nên mãn tính, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

Nhiều nguy hiểm từ viêm da mủ ở trẻ sơ sinh

Do sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn non yếu, nên khi trẻ bị viêm da mủ sẽ có xu hướng phát triển nghiêm trọng hơn tình trạng bệnh ở người lớn. Nếu không điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của trẻ. Viêm da mụn mủ ở trẻ sơ sinh có thể gây hậu quả nghiêm trọng như:

– Trẻ dễ viêm da bội nhiễm: Trẻ mắc viêm da mủ nếu không chăm sóc đúng và điều trị kịp thời, có thể gây viêm nhiễm rộng, khó kiểm soát, làm tăng nguy cơ hoại tử da.

– Viêm da nhiễm trùng huyết: Viêm da mủ do vi khuẩn xâm nhập nên dễ gây nhiễm trùng máu. Biến chứng này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.

– Viêm da mủ có thể gây viêm não: Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh nếu không được chăm sóc đúng, có thể vi khuẩn sẽ tấn công các tế bào thần kinh… nếu không được điều trị kịp thời có thể gây xuất huyết, đột quỵ, viêm màng não…

Phòng viêm da mủ ở trẻ sơ sinh

Điều trị viêm da mủ ở trẻ tùy thuộc vào từng mức độ viêm da của trẻ. Khi trẻ có triệu chứng viêm da, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và xác định mức độ bệnh, đề phòng biến chứng cho trẻ.

Viêm da mủ có thể phòng tránh bằng cách rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ; Khi thấy da trẻ có mụn, cha mẹ không được tự chích nặn mủ, khi tắm tránh kì cọ mạnh lên tổn thương, cào xước vùng da viêm tấy chưa hóa mủ.

Cha mẹ nên lưu ý đến việc chăm sóc trẻ hàng ngày, vệ sinh đúng cách, tránh mặc đồ quá nóng, đồ có chất liệu dày không thấm hút mồ hôi, chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý chữa trị tại nhà, tránh gây những tác động tiêu cực cho làn da và sức khỏe của trẻ.

Tránh cho trẻ dùng chung chăn, quần áo, tiếp xúc với da, mủ của những người bị viêm da. Cải thiện môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.

Tác giả bài viết: BS Nguyễn Thị Bích

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *