1. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm trong đó phổ biến là các nguyên nhân như:
– Sai tư thế trong lao động, vận động và hoạt động.
– Thoái hóa tự nhiên do tuổi tác.
– Do các bệnh lý cột sống bẩm sinh hay mắc phải như: gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi để gây bệnh.
– Do tai nạn hay các chấn thương cột sống; do tổn thương đĩa đệm.
Ngoài ra thoát vị đĩa đệm cũng có thể do nguyên nhân di truyền.
2. Bơi lội rất tốt trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống
Khi bị thoát vị đĩa đệm tùy từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp, bởi các phương pháp điều trị được lựa chọn phụ thuộc mức độ đau, sự chèn ép thần kinh và mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những phương pháp điều trị thoát vị có thể liệt kê như: nội khoa nghỉ ngơi, tập phục hồi chức năng, phẫu thuật…
Ở giai đoạn đầu thoát vị đĩa đệm, việc điều trị chủ yếu gồm nghỉ ngơi, dùng đai lưng hỗ trợ, thuốc giảm đau chống viêm và thuốc giãn cơ, hỗ trợ cột sống… Ngoài ra, việc thực hiện các bài tập phục hồi chức năng là vô cùng quan trọng để cải thiện các triệu chứng đau của thoát vị đĩa đệm.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi bị thoát vị đĩa đệm nên luyện tập môn thể dục nào để cải thiện bệnh tình? Có một số môn thể thao như đi bộ, dưỡng sinh, yoga,… đều giúp cải thiện bệnh thoát vị đĩa đệm hiệu quả. Tuy nhiên, bơi lội có tác dụng cải thiện cảm giác đau cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm rất tốt. Đặc biệt với động tác bơi ếch, cơ lưng sẽ có điều kiện được tập luyện khi hai chân đạp sải ra.
Theo nghiên cứu, bơi lội thường xuyên rất tốt cho xương khớp, giúp xương khớp bền vững dẻo dai, phòng và trị các bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ… Người bệnh sẽ thấy rõ tác dụng nhất là ở giai đoạn đầu của bệnh nếu bơi thường xuyên. Bơi lội sẽ làm giảm đau nhức, giảm tê buốt các khớp các chi, tập đúng dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên sẽ mang lại hiệu quả cao.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi bơi lội người bệnh sẽ thở sâu, từ đó giúp tuần hoàn đến các khớp, đĩa đệm tốt hơn. Khi bơi cơ hoành vận động giúp máu truyền đầy đủ dinh dưỡng tới xương.
Các động tác bơi thở ra kéo cơ hoành về vị trí bình thường, máu được lưu thông. Ngoài ra bơi lội giúp tăng cường độ săn chắc của cơ bụng và cơ lưng, giúp ổn định cột sống và giảm khả năng thoát vị đĩa đệm thêm.
Ngoài ra, nếu không có điều kiện có thể tập dưỡng sinh hoặc yoga, đi bộ cũng giúp cải thiện bệnh thoát vị đĩa đệm hiệu quả. Các bài tập dưỡng sinh với động tác nhẹ nhàng giúp vận động toàn thân, không tạo sức ép cho cột sống, tránh được tổn thương cho người có tuổi.
Đi bộ là lựa chọn dễ nhất vì sự nhẹ nhàng, đơn giản và thuận tiện đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Đi bộ đúng cách có thể giúp giảm đau, tăng cường cơ bắp, hỗ trợ cột sống và tăng giới hạn chuyển động. Tuy nhiên, đối với từng trường hợp, cần hỏi thêm ý kiến chuyên gia để được tư vấn cường độ tập luyện phù hợp nhất.
Riêng tập yoga cần có sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vì những động tác tập yoga cần phù hợp với người bệnh thoát vị đĩa đệm. Khi tập yoga người bệnh cần nói rõ tình trạng bệnh của mình cho người hướng dẫn để tránh những bài tập quá sức, có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn.
3. Người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cần chú ý những gì khi bơi?
Đối với người bệnh thoát vị đĩa đệm, việc luyện tập cần có sự tư vấn của các bác sĩ cho phù hợp với bệnh tình của từng người.
Trong môn bơi lội, người bệnh chỉ nên bơi ếch nhẹ nhàng chứ không nên bơi sải, dùng quá nhiều sức sẽ khiến các cơ thêm đau nhức. Khi bơi người bệnh cần khởi động kỹ để tránh bị co cơ, chuột rút.
Khoảng thời gian bơi lý tưởng là 30 – 45 phút mỗi ngày, nên tập đều đặn hằng ngày, không nên bơi cố.
Nên bơi vào buổi sáng và chiều, nếu bơi buổi chiều tối thì nên ăn lót dạ gì đó trước khi xuống hồ. Tuyệt đối không bơi lúc giữa trưa hay khi vừa ăn no, bơi đều đặn 30-60 phút/lần, mỗi tuần từ 3 – 4 lần.
Lưu ý: Người bệnh thoát vị đĩa đệm không nên tập các động tác thể dục nặng quá sức và cần tránh sai tư thế (vặn xoắn cột sống, nhảy lên cao rơi xuống, cúi gập người). Tốt nhất trước khi luyện tập cần có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để giúp giảm đau hiệu quả.
Tác giả bài viết: BS. Vũ Văn Quang
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn