Phòng và trị viêm mũi mùa hè bằng Đông y

Có nhiều nguyên nhân gây viêm mũi mùa hè như thay đổi nhiệt độ đột ngột khi sử dụng điều hòa, đi bơi và dị ứng hóa chất trong nước bể bơi… khiến niêm mạc mũi gây sung huyết, phù nề, tăng xuất tiết niêm mạc mũi…

1. Triệu chứng của viêm mũi

Viêm mũi xuất hiện nhiều khi thời tiết thay đổi, từ nóng sang lạnh đột ngột hoặc ngược lại. Viêm mũi là sự viêm nhiễm xảy ra trên bề mặt niêm mạc hốc mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bệnh có các triệu chứng như: Chảy nước mũi, tắc mũi, ngứa mũi, hắt hơi, có thể có dịch mũi chảy xuống họng gây đau rát họng, ho, thậm chí chảy máu mũi…

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh mũi gia tăng vào ngày hè:

– Thói quen sinh hoạt hàng ngày như ăn uống đồ lạnh, uống nước đá lạnh… khiến không ít người bị viêm họng. Mũi và họng lại thông nhau, do đó nếu viêm họng thường xuyên sẽ dẫn đến vi khuẩn xâm nhập lên mũi, ảnh hưởng đến niêm mạc mũi.

Đông y phòng và trị viêm mũi mùa hè - Ảnh 1.

Khói bụi, vi khuẩn, virus… là các tác nhân gây viêm mũi.

– Đi bơi cũng là căn nguyên khiến viêm mũi có nguy cơ nặng hơn bởi nguồn nước không đảm bảo. Nước ở các bể bơi công cộng vẫn còn chứa nhiều hóa chất; còn nước ở ao hồ, sông, suối đa phần chứa nhiều vi khuẩn hoặc bị ô nhiễm sẽ không có lợi cho niêm mạc mũi.

– Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột (sốc nhiệt) khi sử dụng điều hòa không hợp lý làm cho hệ thống thảm nhầy trên bề mặt niêm mạc mũi không kịp thích ứng, độ nhớt giảm gây viêm mũi.

– Mùa hè nắng nóng, bụi bẩn, khói bụi từ xe cộ, nhà máy… cũng nhiều hơn, nhất là ở các thành phố lớn. Chúng bay trong không khí, thâm nhập vào cơ thể, gây ra các bệnh đường hô hấp, nhất là các bệnh mũi, họng.

Viêm mũi có thể ảnh hưởng đến người bệnh trong ngắn hạn (cấp tính) hoặc dài hạn (mạn tính):

– Viêm mũi cấp tính thường là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc dị ứng, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác gây ra.

– Viêm mũi mạn tính thường đi kèm với các bệnh lý viêm xoang – họng mạn tính.

Theo Đông y, viêm mũi phần nhiều do hàn tà ngưng tụ, hư hỏa uất ở trên mũi gây viêm. Nguyên nhân gây viêm mũi chủ yếu do chức năng hô hấp và khả năng phòng vệ của cơ thể suy yếu, khiến tà khí (tác nhân gây bệnh) dễ xâm nhập cơ thể theo đường hô hấp, làm cho khí huyết bị ứ trệ, ứ đọng ở vùng mũi gây nghẹt mũi, tắc mũi, thậm chí khó thở; niêm mạc mũi bị sưng.

Đông y phòng và trị viêm mũi mùa hè - Ảnh 3.

Nhân sâm – Vị thuốc được dùng trong các bài thuốc trị viêm mũi.

2. Đông y điều trị viêm mũi mùa hè

Tùy vào nguyên nhân gây viêm mũi, tình trạng viêm mũi mà bác sĩ Đông y sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, để điều trị viêm mũi, các thầy thuốc Đông y thường sử dụng các bài thuốc phù hợp với thể viêm mũi, với tình trạng bệnh cụ thể của người bệnh. Trong các bài thuốc này thường có các vị thuốc như nhân sâm, bạch truật, hoàng cầm, ké đầu ngựa, tân di, kim ngân…

Có thể kết hợp thêm các phương pháp khác như sử dụng các món ăn bài thuốc để hỗ trợ điều trị bệnh:

– Trường hợp viêm mũi do “hàn thấp” với các biểu hiện sợ lạnh, sợ gió, có nhiều đàm, nước mũi loãng thường dùng các món ăn bài thuốc như thịt lợn xào hành tây, giá đỗ xào rau hẹ…

– Nếu nguyên nhân do “nhiệt thấp” thường có các biểu hiện đờm, mũi, vàng đặc ít, ho khan Nên ăn vị bổ tỳ, lợi thấp tiêu viêm như: Rau má nấu canh cá quả; mướp đắng nấu canh thịt; thịt lợn nấu canh khoai mỡ; đậu xanh nấu chè…

Đông y phòng và trị viêm mũi mùa hè - Ảnh 4.

Mướp đắng nấu thịt là món ăn bài thuốc thích hợp cho người viêm mũi do “nhiệt thấp”.

Bên cạnh đó, người bệnh viêm mũi có thể kết hợp tự xoa bóp, bấm huyệt để điều trị viêm mũi rất hiệu quả. Các huyệt có tác dụng đối với viêm mũi là ấn đường, nghinh hương, tỵ thông, đại chùy, phong trì, hợp cốc, thiếu thương… Người bệnh nên tác động vào các huyệt vị này sẽ giúp bệnh nhanh khỏi cũng như thường xuyên tác động vào các huyệt này phòng được bệnh viêm mũi.

Ngoài ra, một số thực phẩm cũng có tác dụng đối với bệnh viêm mũi. Người mắc viêm mũi, đặc biệt là viêm mũi dị ứng nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C, omega 3, chất lỏng ấm như nước ấm, canh, súp ấm giúp loại bỏ tắc nghẽn đường thở, làm loãng dịch nhày và hỗ trợ quá trình lưu thông; mật ong, hành, tỏi, gừng, bạc hà, rau mùi… đều là những thực phẩm có lợi cho người bị viêm mũi. Do đó, người bệnh có thể bổ sung chúng một cách hợp lý trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Người bệnh viêm mũi nên cẩn thận khi ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, mực, trứng, sữa, đậu phộng… hoặc các thức ăn lạ như nhộng tằm. Các loại đồ ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu, mù tạt cũng có thể khiến bệnh nhân bị ho, sổ mũi, hắt hơi…; không nên uống bia, rượu, cà phê… vì chúng có thể làm mất nước và khiến tình trạng viêm mũi trở nên nghiêm trọng hơn.

Đông y phòng và trị viêm mũi mùa hè - Ảnh 5.

Day ấn huyệt ấn đường có tác dụng trong bệnh viêm mũi.

3. Phòng bệnh viêm mũi mùa hè

Để phòng bệnh viêm mũi mùa hè người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Luôn vệ sinh mũi họng thật sạch, đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ;
  • Tránh những nơi ô nhiễm, tránh tiếp xúc khói bụi bằng cách đeo khẩu trang khi đi ra ngoài;
  • Hạn chế bơi lội với những người vốn đã có bệnh mũi mạn tính, niêm mạc mũi yếu;
  • Chỉ nên bật điều hòa ở nhiệt độ vừa phải, không nên chênh quá 4-6 độ C so với nhiệt độ ngoài trời.
  • Thường xuyên vệ sinh hệ thống điều hòa nói riêng cũng như nơi ở, nơi làm việc nói chung để tránh vi khuẩn, nấm mốc lưu trú;
  • Không nên lạm dụng nhiều đồ ăn thức uống quá lạnh, hạn chế nước đá lạnh; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Tác giả bài viết: Hải Long

Nguồn tin: Báo sức khỏe và Đời sống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *