Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ có biến chứng gì? Cách chăm sóc đúng

Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ có biến chứng gì? Cách chăm sóc đúng
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm ở hệ thống tiết niệu, đặc trưng bởi sự gia tăng số lượng vi khuẩn và bạch cầu niệu một cách bất thường. Tùy theo vị trí nhiễm khuẩn mà có các chẩn đoán như viêm bàng quang – nhiễm khuẩn tiết niệu dưới hoặc viêm bể thận nhiễm khuẩn tiết niệu.

Vì sao trẻ hay mắc nhiễm khuẩn tiết niệu?

Trẻ em dễ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu nên thường khiến các bậc cha mẹ lo lắng, câu hỏi nhiều người thắc mắc là tại sao trẻ lại dễ mắc bệnh như vậy. Thực tế cho thấy trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn người lớn, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, bởi do cơ chế miễn dịch ở trẻ chưa đầy đủ.

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân sau:

– Do trẻ có bất thường hệ tiết niệu: Đây là yếu tố khiến trẻ dễ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu nhiều hơn, bởi các bệnh lý đường tiết niệu làm cho nước tiểu của trẻ không được lưu thông tốt, gây ứ đọng nước tiểu, chiếm 70% các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu.

– Do trẻ mắc các bệnh gây suy giảm sức đề kháng như: Nhiễm virus cúm, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy có mất nước nặng.

– Do tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài.

– Do trẻ bị táo bón.

– Do điều kiện vệ sinh kém.

– Do thói quen nhịn tiểu và uống nước ít của lứa tuổi nhà trẻ.

– Do chít hẹp bao quy đầu ở trẻ trai.

– Do dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh.

– Do bàng quang thần kinh – bàng quang giãn to mất trương lực co bóp hoặc rối loạn trương lực co bóp, không đẩy hết được nước tiểu ra ngoài sau mỗi lần đi tiểu.

– Do ứ nước bể thận do chít hẹp khúc nối bể thận niệu quản.

viem duong tiet nieu o tre em 16831698762082026814643
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm ở hệ thống tiết niệu. Ảnh minh hoạ.

Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ và những hệ lụy

Khi mắc nhiễm khuẩn tiết niệu, trẻ có các biểu hiện rối loạn tiểu tiện: Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, khi đi tiểu phải rặn (rặn è è đỏ cả mặt..), trẻ đi tiểu nhiều về đêm, nước tiểu có màu trắng đục (có khi trẻ đái ra toàn mủ trắng), nhiều cặn lắng đọng, mùi khai hoặc nặng mùi hơn bình thường.

Trẻ đôi khi kêu đau vùng hạ vị, vùng thắt lưng, hố thận, đau âm ỷ và có kèm theo sốt. Tùy tính chất, chủng vi khuẩn mắc phải mà trẻ sốt nhẹ hay sốt cao.

Nhiễm khuẩn tiết niệu có biểu hiện thường gặp là sốt cao liên tục, trên 39 độ C, khó hạ sốt được ngay, mà chỉ hạ sốt khi đã điều trị kháng sinh đúng chủng loại, có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn sau 3 đến 5 ngày.

Vì vậy, nhiều cha mẹ thường lo lắng, liệu trẻ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu có gây biến chứng không? Thực tế cho thấy nhiễm khuẩn tiết niệu diễn ra rất phức tạp, với nhiều dạng biến chứng, có thể xuất hiện những biến chứng toàn thân nguy hiểm như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng gây hoại tử ống thận bể thận.

Nhiễm khuẩn tiết niệu nếu để lâu cũng có thể gây ra thận ứ mủ, viêm quanh thận, viêm kẽ thận, trào ngược bàng quang niệu quản âm thầm, gây ra suy thận.

Và quan trọng hơn cả, nhiễm khuẩn tiết niệu có thể để lại sẹo thận nếu không phát hiện điều trị dứt điểm bệnh sẽ nặng hơn. Sau mỗi đợt nhiễm trùng tái phát, trẻ sẽ có các tổn thương ở thận dưới dạng sẹo, dẫn đến suy thận mạn sau này.
Cách chăm sóc đúng trẻ nhiễm khuẩn tiết niệu.

20200131131346076329tre sot caomax 1800x1800 16831698761841838837698
Khi trẻ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu cần chăm sóc vệ sinh vùng kín đúng cách. Ảnh minh hoạ.

Cách chăm sóc đúng trẻ nhiễm khuẩn tiết niệu

Nếu nghi ngờ trẻ nhiễm khuẩn tiết niệu, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ, vì bác sĩ sẽ dựa theo kháng sinh đồ để điều trị cho trẻ. Tùy theo trẻ mắc loại vi khuẩn nào, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện để tiêm kháng sinh hay chỉ cần uống thuốc theo đơn và theo dõi tại nhà.

Thông thường một đợt điều trị sẽ kéo dài trung bình từ 10 đến 15 ngày và được xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn cuối mỗi đợt.

Cha mẹ cần cho trẻ trẻ uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin… để nâng cao sức đề kháng cho trẻ, cụ thể:

Tăng cường cho trẻ ăn trái cây và rau xanh, vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ có thể tăng lượng nước trong cơ thể và hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, sử dụng nhiều trái cây tươi cũng giúp tăng lượng nước tự nhiên trong cơ thể, thải độc và phòng chống các triệu chứng viêm nhiễm đường tiết niệu.

Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn cay nóng hoặc món ăn, gia vị có vị cay nóng. Hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối… hạn chế cho trẻ ăn bánh, thức ăn nhanh, đồ uống có gas.

Khi trẻ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu, cần chăm sóc vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng cách. Cha mẹ phải luôn quan tâm đến việc vệ sinh và những sinh hoạt thường ngày của trẻ. Cha mẹ cần hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen trẻ đi vệ sinh đúng cách.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ, các bậc cha mẹ nên vệ sinh đúng cách cho trẻ, mỗi lần đi vệ sinh nên lau từ trước ra sau.

– Sau khi trẻ đi vệ sinh xong cần lau khô cho trẻ và thay tã, bỉm thường xuyên. Cho trẻ uống nước thường xuyên, có thể xen kẽ nước cam, chanh… để làm sạch đường tiểu.

– Tránh tình trạng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang. Cần hạn chế việc nhịn tiểu ở trẻ, khuyến khích hay tạo phản xạ đi tiểu của trẻ đúng giờ hàng ngày.

– Cần tăng đề kháng cho trẻ, cha mẹ nên bổ sung hoa quả và rau xanh trong chế độ hàng ngày của trẻ.
‎- Cần cho trẻ uống đủ nước, ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau củ quả, để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn.
– Do sỏi bàng quang niệu quản.

Tác giả bài viết: BS Phạm Thị Hồng Vân

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *