Sỏi đường tiết niệu, y học cổ truyền gọi là chứng sa lâm, thạch lâm gồm các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu…
Trong Y học cổ truyền nhiều vị thảo dược có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn lợi tiểu, bài sỏi, ức chế sự hình thành sỏi ở thận như:
1. Cỏ bờm ngựa điều trị sỏi đường tiết niệu
Cỏ bờm ngựa, tên khoa học là Pogonatherum crinitum (Thunb.) Kunch., thuộc họ lúa. Cây mọc thành bụi nhỏ, cao khoảng 15-20cm, thân nhẵn, nhỏ, mảnh, có đốt dày sít nhau. Lá hình dải nhọn, mềm, rộng 1,3-3,5cm, xếp thành 2 dãy so le, gốc tròn, gân mảnh tạo thành những đường màu trắng trên phiến lá; bẹ lá mềm, dẹt, nhẵn, lưỡi bẹ không rõ. Hoa có mày, màu vàng, nhìn tựa như bờm ngựa.
Theo Đông y: Cỏ bờm ngựa có vị ngọt, tính mát; vào 3 kinh Tỳ, Thận và Bàng quang; có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, lợi tiểu; dùng chữa phát sốt phiền khát, tiết tả, viêm gan vàng da, đái tháo đường, đái ra máu, tiểu tiện khó khăn...
Chữa viêm niệu đạo: Cỏ bờm ngựa, mã đề, rễ cỏ tranh, mỗi vị 15g, biển súc 24g; sắc nước uống thay nước trong ngày.
Chữa phát sốt, phiền khát, tiểu buốt, tiểu ra máu: Dùng cỏ bờm ngựa tươi 60-120g; sắc nước uống trong ngày.
2. Cỏ gà
Cỏ gà còn có tên là cỏ ống, cỏ chỉ, tên khoa học là Cynodon dactylon Pers. Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae). Cỏ gà là một loại cây thảo (cỏ) sống dai, thân có nhiều cành. Lá phẳng, ngắn, hẹp, nhọn, dài 3-4cm. Cụm hoa gồm 2-5 bông hình ngón tay, dài 2,5-5cm màu xanh hay tím. Khi dùng làm thuốc, người ta đào cây, cắt lấy thân rễ rửa sạch đất, cát, phơi hoặc sấy khô.
Theo Đông y: Cỏ gà tính bình, không độc; lợi vào kinh Can; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu thông lâm, trừ phong, chỉ huyết (cầm máu), sinh cơ… thường được sử dụng để chữa nhiệt lâm (đái rắt, đái buốt do nhiệt), thạch lâm (sỏi tiết niệu), các trường hợp rối loạn tiết niệu như viêm thận, viêm bàng quang, vàng da, sỏi thận, sỏi gan, sỏi mật; thấp khớp, thống phong; phụ nữ kinh nguyệt không đều; trẻ nhỏ sốt cao, tiểu ít hoặc tiểu tiện khó …
Chữa sỏi tiết niệu: Dùng cỏ gà 30-50g; sắc nước uống thay trà trong ngày. Có thể phối hợp thêm với thòng bong (bòng bong), kim tiền thảo, xa tiền thảo (mã đề) – mỗi vị 10g, sắc uống.
3. Rau dừa nước
Rau dừa nước, tên khoa học là Jussiaea repens L. (Ludwigia adscendens (L.) Hara), thuộc họ Rau dừa nước (Oenotheraceae). Là một cây mọc bò hay mọc nổi trên mặt nước. Lá hình trứng hay hơi thuôn, đến cuống hơi hẹp lại, đầu tù hay hơi tròn, dài 4- 6cm. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá màu trắng, cuống dài 1cm. Quả nang hình trụ dài 25mm, mở thành ba mảnh, trên mặt có lông. Hạt nhiều, nhỏ, hình khối chữ nhật.
Để sử dụng làm thuốc, có thể thu hái gần như quanh năm. Hái về rửa sạch, thái ngắn, phơi hoặc sấy khô.
Theo Đông y: Rau dừa nước có vị ngọt, nhạt; tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, lương huyết, giải độc. Dùng chữa cảm sốt, ho khan, đái đục, phù thũng…
Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục (lâm trọc): Rau dừa nước 30-50g, đường phèn 15g; sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày, uống trước bữa ăn.
Tác giả bài viết:Lương y Huyên Thảo
Nguồn tin: Báo sức khỏe và Đời sống