Nước chanh là một thức uống giải khát mùa hè rất thông dụng, rẻ tiền, dễ kiếm, dễ làm. Ngoài ra, cây chanh còn cho ta rất nhiều công dụng trị bệnh khác.
1. Tác dụng của cây chanh
Chanh có tên khoa học Citrus limonia Osbeck (Citrus medica L. subsp. limon Lour.); thuộc họ Cam Rutaceae.
Cây chanh được trồng khắp nơi ở nước ta. Mùa hoa: tháng 3-5, mùa quả: tháng 6-9, nhưng còn một vụ chanh chiêm nữa vào các tháng 1-2.
Nhân dân trồng chanh chủ yếu để lấy quả ăn, lá làm gia vị. Làm thuốc người ta dùng quả, lá và rễ, thu hái gần như quanh năm; dùng tươi hay khô.
Vỏ quả chanh: Lớp vỏ xanh ngoài chứa tinh dầu, vỏ trắng chứa pectin. Tinh dầu chanh là một chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm chanh.
Dịch quả chanh: Trong dịch quả chanh có 80-82% nước, 5-7% acid citric, có khi tới 10% (mùa thu tỷ lệ acid cao hơn mùa hạ), chừng 1-2% citrat acid canxi và kali, một ít citrat etyl và chừng 0,4-0,5% acid malic. Ngoài ra, còn 0,4-0,75% đường interverti, 0,5% sacaroza, 0,75-1% protid.
Lá chanh chứa tinh dầu mùi thơm dễ chịu. Hàm lượng tinh dầu trong lá thay đổi từ 0,33-0,5%.
2. Công dụng và liều dùng
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết:
– Dịch quả chanh: Là một thứ nước uống mát, thông tiểu tiện. Liều dùng 30-50g một ngày pha với nước đường uống.
– Lá và ngọn chanh: Lá thường dùng làm gia vị ăn với thịt gà, với ốc, nấu nước để xông chữa cảm cúm; lá và búp non chanh giã nát đắp lên rốn trẻ em chữa bí đái, đầy chướng bụng.
– Rễ chanh: Được dùng chữa ho dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với rễ dâu tằm cạo bỏ vỏ đỏ, nướng với mật hoặc mật ong rồi hãm nước uống. Ngày dùng 6-12g.
– Tinh dầu chanh và tinh dầu lá chanh: Pha thuốc gội đầu, làm thơm các thuốc bột hay thuốc ngậm.
– Vỏ thân cây chanh: Được dùng làm thuốc giúp tiêu hóa tốt hơn. Ngày uống 4-10g dưới dạng thuốc sắc.
– Hạt quả chanh: Có người dùng làm thuốc tẩy giun, tiêu đàm, mạnh cho sinh dục, chữa sa đì.
3. Một số cách dùng chanh trị bệnh
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số cách dùng chanh trị bệnh như sau:
– Chữa ho có đờm: Dùng 1 quả chanh tươi cắt thành từng miếng nhỏ, đường phèn hoặc mật ong đủ ngọt, cho vào bát, đem hấp cách thủy cho chín kỹ rồi ăn. Ngày ăn hai lần vào sáng sớm và chiều tối.
– Chữa ho khan, mất tiếng: Dùng vỏ rễ chanh và vỏ rễ dâu, mỗi thứ 12g (cả hai loại rễ đều bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ lấy lớp vỏ trắng bên trong). Sắc uống, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Khi uống có thể cho thêm chút đường hoặc mật ong.
– Chữa đau đầu, khàn tiếng: Cắt lát chanh với một ít vôi dán vào hai thái dương (đau đầu) và trước cổ khi họng bị khô đau rát.
– Viêm loét miệng: Chanh 1 quả vắt lấy nước cốt, bột sắn dây 30g, đường 20g, nước 150ml. Uống ấm 1-2 lần/ngày.
– Chữa dạ dày đầy hơi, lợm giọng, buồn nôn: Vỏ quả chanh sau khi đã vắt hết nước đem thái thành miếng nhỏ, thêm mật ong vào cho đủ ngọt, mỗi ngày ăn chừng 3-5 vỏ quả.
– Trị nôn oẹ, ho khan: Dùng quả chanh cắt thành từng miếng, cho thêm vài hạt muối, nhai và nuốt dần.
– Chữa trẻ nhỏ bị chướng bụng, bí tiểu: Dùng lá chanh 1 nắm nhỏ, giã nát, đem hấp nóng, để nguội âm ấm đắp lên rốn.
Tác giả bài viết: Hải Long
Nguồn tin: Báo sức khỏe và Đời sống