Đau dạ dày là một triệu chứng phổ biến gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh…
. Đau dạ dày theo quan điểm của Y học cổ truyền
Bệnh đau dạ dày đang ngày càng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây do thói quen ăn uống, áp lực cuộc sống, nghỉ ngơi không khoa học…
Khi bị đau dạ dày bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu như: Đau vùng thượng vị; kém ăn, suy nhược cơ thể; ợ chua; nôn và buồn nôn; chảy máu tiêu hóa…
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày, trong đó phổ biến như ăn uống thất thường, ăn quá no, quá đói, stress, nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), sử dụng một số loại thuốc như corticoid, thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAIS)…, sinh hoạt thất thường, uống rượu, bia, hút thuốc lá, thường xuyên thức khuya, mắc các bệnh lý dạ dày như viêm dạ dày, trào ngược thực quản dạ dày…
Khi bị đau dạ dày người bệnh cần đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tư vấn và điều trị kịp thời, trúng đích, tránh tự chữa bệnh mà có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày…
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, bệnh đau dạ dày có nhiều nguyên nhân: Do lo nghĩ uất ức làm tổn thương can, do lao động quá sức, do no đói thất thường khiến tỳ vị bị tổn thương, do hư hàn, do ứ huyết… Tất cả các nguyên nhân này đều gây ra các triệu chứng đau dạ dày.
Đau dạ dày là chứng bệnh mà Đông y gọi là vị thống hay vị quản thống. Biểu hiện là đau vùng thượng vị, đau có lúc ê ẩm hoặc đau mạnh, lúc tăng lúc giảm, kèm theo thấy bụng đầy chướng, ợ hơi, ợ chua, bụng cồn cào…
2. Các phương pháp điều trị đau dạ dày của Đông y
Theo ThS. BS. Nguyễn Quang Dương, trong Đông y có rất nhiều bài thuốc điều trị các chứng trạng đau dạ dày. Tùy vào nguyên nhân gây đau dạ dày, biểu hiện của chứng đau dạ dày mà các thầy thuốc Đông y sẽ đưa ra bài thuốc điều trị phù hợp.
2.1. Các bài thuốc, vị thuốc trị đau dạ dày
– Chứng đau dạ dày do vị uất hỏa thuộc phạm vi vị quản thống: Vị uất hỏa thuộc chứng nhiệt tà nhập vào kinh dương vị hoặc do tích nhiệt từ đồ ăn thức uống mà phạm vào vị. Bệnh để lâu không trị, không chỉ gây đau vùng thượng vị mà còn có biểu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, miệng hôi, nóng cổ, chán ăn, ăn không tiêu…
Trong trường hợp này các thầy thuốc Đông y sử dụng các bài thuốc như bài: Tả hoàng ẩm gia giảm; Thanh nhiệt cứu âm gia giảm …
– Đau dạ dày do vị khí hư: Phần nhiều do vị khí bất túc, chức năng hấp thu thức ăn tỳ vị sút kém, ảnh hưởng dinh dưỡng sức khỏe toàn thân.
Theo Y học cổ truyền, nếu bụng đau lâm râm cồn cào, ăn vào tạm dễ chịu, thở gấp, ăn kém là ‘vị khí hư’. Nếu hay đau tức hông sườn do ‘vị hư can khí phạm vị’. Nếu ăn không ngon không cảm thấy mùi vị thức ăn là ‘vị khí hư nặng’. Nếu ăn vào hay nôn trớ, nôn thức ăn do ‘vị khí yếu, lại kiêm cả trệ’.
Nguyên nhân phần nhiều do ăn uống không điều độ, cơ thể mệt nhọc hư tổn, do ngoại tà làm tổn hại vị khí mà gây bệnh.
Phép trị: Kiện tỳ hòa vị. Người bệnh nên ăn uống thức ăn mềm, dễ tiêu, đúng giờ, tránh lo lắng, suy nghĩ nhiều mà ảnh hưởng đến tỳ vị…
Có thể sử dụng bài: Bổ trung ích khí thang; Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm; Hương sa lục quân tử thang gia giảm…
Trong Đông y cũng có rất nhiều vị thuốc nam giúp làm giảm các triệu chứng đau dạ dày như nghệ, mật ong, mai mực, lá khôi, dạ cẩm, cỏ nhọ nồi…
2.2. Dinh dưỡng hỗ trợ trị đau dạ dày
Ngoài ra, dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng đau dạ dày. Người bị đau dạ dày nên ăn các loại quả như bơ, táo, đu đủ chín…; nên uống nước dừa, nước chè dây, trà hoa cúc, nước ép nha đam… ; nên ăn các loại rau như lá mơ lông, thì là, cải bẹ xanh, súp lơ, mùi tây…
Cần tránh ăn nhiều thực phẩm chiên rán, cay nóng, đồ chua, uống bia rượu, hút thuốc lá hay dùng chất kích thích.
2.3 Bấm huyệt hỗ trợ trị đau dạ dày
Ngoài ra, người bị đau dạ dày có thể kết hợp các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ trị đau dạ dày.
2.4 Một số lưu ý khác
Người bệnh dạ dày cần lưu ý một số điểm sau để hạn chế những cơn đau dạ dày:
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Sau khi ăn tránh nằm, tập thể dục ngay.
- Giảm căng thẳng, cân bằng cuộc sống, hạn chế stress.
- Không hút thuốc lá, uống rượu, bia, hạn chế sử dụng khi không cần thiết các thuốc kháng sinh, thuốc corticoid, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, hạ sốt…
- Tránh ăn các thức ăn gây hại dạ dày như thức ăn cứng, khó tiêu, các thức ăn gây kích thích niêm mạc dạ dày như chua, cay, nóng, cà phê, trà đặc, tỏi sống…
- Duy trì lối sống lành mạnh, điều độ, giảm sự đố kị, ghen ghét.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao…