Đường ruột tác động đến sức khỏe tim mạch như thế nào?

Sức khỏe đường ruột không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch mà còn có tác động lớn đến sức khỏe tim mạch.

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra một số tình trạng tim có thể liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột. Các nhà khoa học thấy rằng, có một đường ruột khỏe mạnh sẽ dẫn đến một trái tim khỏe mạnh hay nói cách khác đường ruột khỏe mạnh có thể là chìa khóa để ngăn ngừa các biến cố tim mạch.

1. Tác động của sức khỏe đường ruột với tim mạch

1.1 Xơ cứng động mạch

Xơ cứng động mạch xảy ra với tốc độ khác nhau khi chúng ta già đi và là mối nguy cơ phổ biến đối với các bệnh tim mạch.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham và King’s College London đã công bố kết quả nghiên cứu về sức khỏe đường ruột và mối liên hệ của nó với sức khỏe tim mạch trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu cho thấy, chế độ ăn uống và chế phẩm sinh học có thể là con đường để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 617 cặp song sinh nữ trung niên, phát hiện ra rằng, độ cứng của động mạch cao hơn ở những phụ nữ có ít vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh hơn. Điều này cho thấy, có mối liên hệ giữa sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột và sức khỏe của động mạch.

Theo TS. Michael Miller, bác sĩ tim mạch và giám đốc Trung tâm Phòng ngừa Tim mạch của Hệ thống Y tế Đại học Maryland, độ cứng của động mạch có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn đường ruột hơn là các yếu tố nguy cơ như béo phì và kháng insulin…

Như vậy, vi khuẩn đường ruột có thể được sử dụng để phát hiện nguy cơ mắc bệnh tim và có thể được thay đổi bằng chế độ ăn uống hoặc thuốc để giảm nguy cơ, PGS. Ana Valdes, Đại học Nottingham cho biết.

Chứng viêm làm suy yếu chức năng của mạch máu (viêm cũng là một tình trạng bị ảnh hưởng bởi một số vi khuẩn đường ruột). Theo thời gian, tình trạng viêm làm suy yếu chức năng của lớp lót bên trong mạch máu. Điều này dẫn đến cứng khớp, hình thành mảng bám và dẫn tới xơ cứng động mạch.

photo-1682087040983

Bệnh tim, nơi mảng bám tích tụ trong động mạch.

1.2 Bệnh động mạch vành

Sức khỏe đường ruột cũng có một vai trò trong động mạch vành. Một nghiên cứu trên Tạp chí Nature đã xem xét các mẫu phân của 218 người tham gia mắc bệnh tim mạch xơ vữa (ACVD), nơi mảng bám tích tụ trong động mạch và so sánh chúng với 187 người tham gia khỏe mạnh. Các nhà khoa học nhận thấy, hệ vi sinh vật đường ruột của những người mắc ACVD khác rất nhiều so với những người khỏe mạnh không mắc bệnh, cho thấy có thể có mối liên hệ giữa hai bệnh này.

1.3 Đau tim và đột quỵ

Sức khỏe đường ruột cũng có thể giúp xác định liệu một người có nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ hay không.

TS. Regina Druz, bác sĩ tim mạch từ New York lưu ý rằng, một số vi khuẩn đường ruột nhất định có thể chuyển đổi choline trong chế độ ăn kiêng từ trứng và thịt đỏ thành một chất có hại gọi là trimethylamine N- oxide (TMAO). Chất này có thể làm hỏng các mạch máu. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy một liên kết mạnh giữa TMAO và ACVD, có thể dẫn đến các biến cố mạch máu.

Mức TMAO tăng cao góp phần làm tăng nguy cơ mắc các biến cố liên quan đến cục máu đông như đau tim và đột quỵ. Nguy cơ đông máu cao vẫn còn, sau khi tính đến sự hiện diện của các yếu tố rủi ro thông thường (như huyết áp cao, cholesterol và tiểu đường) và các dấu hiệu viêm nhiễm khác.

Một phân tích trên hơn 2.000 người mắc bệnh tim, kết quả cho thấy những người có nồng độ TMAO trong máu cao hơn có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần do bất kỳ nguyên nhân nào trong 5 năm tiếp theo. Đây là lý do tại sao rất nhiều bác sĩ khuyến nghị chế độ ăn ít chất béo và thịt đỏ để có sức khỏe tim mạch tối ưu.

2. Cách cải thiện sức khỏe đường ruột

2.1. Ăn nhiều loại thực phẩm

Hệ vi sinh vật trong ruột càng đa dạng thì đường ruột càng khỏe mạnh. Để làm được điều này, bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau và protein nạc… và nên lựa chọn loại thực phẩm tươi, nguyên chất, nhiều màu sắc khác nhau.

Polyphenol, hợp chất có trong thực vật, có tác dụng bảo vệ chống lại sự phát triển của vi khuẩn xấu trong ruột.

photo-1682087043789

Rượu gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột.

2.2. Hạn chế rượu và đường

Rượu gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột và gây ra các vấn đề về sản xuất melatonin, làm gián đoạn giấc ngủ (một dấu hiệu khác cho thấy sức khỏe đường ruột kém).

Đường bổ sung cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm ruột, bao gồm cả chất làm ngọt nhân tạo. Cắt giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, có đường phổ biến trong chế độ ăn uống, cũng có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng sức khỏe đường ruột.

2.3. Ăn thực phẩm lên men

Một trong những cách phổ biến nhất được khuyên dùng để chữa lành đường ruột là kết hợp nhiều thực phẩm lên men hơn vào chế độ ăn uống. Những thực phẩm có chứa men vi sinh giúp hỗ trợ sức khỏe đường ruột và thúc đẩy hệ vi sinh vật cân bằng, bằng cách tăng lượng vi khuẩn có lợi, chẳng hạn như lactobacilli…

Một số loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn nên ăn nhiều hơn bao gồm các sản phẩm từ sữa lên men như kefir, sữa chua, cùng với miso, kombucha, kim chi và dưa cải bắp…

2.4. Đi khám nha sĩ thường xuyên

Sức khỏe răng miệng có liên quan mật thiết với sức khỏe đường ruột. Miệng là một phần của hệ thống tiêu hóa vi khuẩn có hại sống trong miệng có thể xâm nhập vào ruột. Do đó, điều quan trọng là phải có sức khỏe răng miệng tốt, vì hệ vi sinh vật đường miệng sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột.

2.5. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên có thể tránh được một số bệnh liên quan đến sức khỏe, và giữ cho đường ruột khỏe mạnh.

Một nghiên cứu năm 2020 trên Tạp chí của Hiệp hội Dinh dưỡng Thể thao Quốc tế cho thấy, các vận động viên có lượng vi khuẩn tốt trong đường ruột cao hơn và hệ vi khuẩn đa dạng hơn.

Tập thể dục thường xuyên sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ vi sinh vật đường ruột và đã được chứng minh là làm tăng vi khuẩn đường ruột có thể cải thiện tính thấm của ruột.

photo-1682087048569

Tập thể dục thường xuyên giữ cho đường ruột khỏe mạnh.

2.6. Bổ sung chất xơ

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ có lợi cho hệ vi khuẩn đường ruột. Các loại thực phẩm giàu chất xơ như: Rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt, táo và lê (còn vỏ) và quả mọng.

2.7. Ngủ nhiều hơn

Giấc ngủ ngon rất có lợi cho đường ruột. Bạn càng ngủ ngon thì càng có nhiều loại vi khuẩn phát triển trong ruột.

Trong khi ngủ, hệ thống tiêu hóa lại ‘bận rộn’ tái tạo và sửa chữa các mô trong ruột và phát triển nhiều vi khuẩn đường ruột tốt hơn trong đêm, giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn.

2.8. Bớt căng thẳng

Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa ruột – não. Sức khỏe đường ruột kém làm tăng các triệu chứng lo âu, trầm cảm. Quản lý căng thẳng là một phần quan trọng đối với sức khỏe đường ruột. Căng thẳng là một phần bình thường của cuộc sống và học cách quản lý nó là rất quan trọng.

Cần phát triển thói quen giảm căng thẳng hàng ngày, có thể bao gồm các bài tập thở, thiền, đọc, viết nhật ký hoặc dành 20 phút mỗi ngày trong tự nhiên.

2.9. Giữ đủ nước cho cơ thể

Giữ đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng. Mất nước dẫn đến viêm nhiễm và việc giữ đủ nước (tức là uống từ 6 đến 8 ly chất lỏng không chứa caffein mỗi ngày) có thể giúp bạn duy trì đường ruột khỏe mạnh.

Nếu nước thường không phải là sở thích của bạn, có thể kết hợp nhiều loại trà thảo mộc hơn vào chế độ ăn uống, chẳng hạn như hoa cúc, bồ công anh, bạc hà…

Những thứ này không chỉ hỗ trợ tiêu hóa và giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể mà còn có tác dụng giải độc, làm sạch ruột và hỗ trợ gan tốt.

3. Khi nào cần đi khám sức khỏe đường ruột

Các triệu chứng của viêm ruột sẽ khác nhau ở mỗi người, nhưng có một số dấu hiệu  cảnh báo bạn nên đi khám:

  • Thói quen đại tiện không đều
  • Táo bón mãn tính
  • Ợ nóng và/hoặc khó tiêu
  • Hôi miệng
  • Thường xuyên đau bụng…

Cố gắng đánh giá chính xác tần suất các triệu chứng này xảy ra bằng cách ghi nhật ký triệu chứng nếu điều đó giúp ích, và đừng ngại đi khám. Điều rất quan trọng là phải chủ động chữa lành đường ruột.

Một số người không nhận ra rằng họ bị viêm ruột trong nhiều năm vì nghĩ rằng các triệu chứng này là ‘bình thường’. Tuy nhiên, nếu đi khám, bác sĩ sẽ cho biết, sức khỏe đường ruột kém có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng tim mạch nguy hiểm. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống, chẳng hạn như cắt giảm một số loại thực phẩm, ngủ nhiều hơn hoặc tập thể dục, tăng lượng thức ăn tươi, nguyên chất hoặc thậm chí thử bổ sung men vi sinh… để giúp đường ruột khỏe mạnh.

BS. Tăng Minh Hoa

Nguồn tin: Báo sức khỏe và Đời sống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *