Các món ăn bổ can thận tinh huyết, giảm mệt mỏi

Trong y học cổ truyền, can thận tinh huyết là nền tảng chống lại yếu tố gây bệnh. Khi can thận suy thì cơ thể rất dễ nhiễm phong hàn tà khí…

Biểu hiện: Chân tay tê mỏi, phiền táo, mất ngủ, hoa mắt chóng mặt, tóc bạc sớm…

Sách “Nội kinh” nói: “Thận chủ cốt tủy con người, nó tốt thì xương tốt”. Tức tinh khí trong thận đầy đủ thì mới có thể nuôi dưỡng xương tủy…

Các món ăn giúp bổ can thận tinh huyết:

1. Lươn nấu hoàng kỳ, đại táo

Nguyên liệu: Lươn 250g, thịt heo nạc 100g, hoàng kỳ 15g, đại táo 10g.

Cách làm: Lươn làm sạch, bỏ ruột, cắt đoạn. Thịt heo rửa sạch, cắt miếng nhỏ. Hai thứ ướp gia vị cho vừa ăn. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, nấu chung cho chín, bỏ bã thuốc, ăn khi còn nóng.

photo-1681954476571

Vị thuốc hoàng kỳ

Công dụng: Bổ can thận, dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt.

Theo Đông y, thịt lươn vị ngọt, tính ôn, thích hợp với các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt.

Sách Bản thảo thập di thời nhà Đường viết: “Lươn chủ trị tê thấp, bổ hư tổn, phụ nữ sau khi sinh con ra máu nhiều, khí huyết không điều hòa, gầy yếu, có tác dụng cầm máu, thêm tinh ích tủy, mạnh gân cốt”.

Thịt lươn còn là vị thuốc tốt với người thể trạng nhiệt, người thiếu máu, gầy còm mệt mỏi; trẻ em gầy yếu, xanh xao, phụ nữ sau sinh cơ thể hư nhược, khí huyết không điều hòa.

2. Canh hải sâm, đỗ trọng

Nguyên liệu: Hải sâm 200g, đỗ trọng 20g, nước dùng gà 600ml, gừng, hành lá.

Cách chế biến: Đỗ trọng rang khô tán thành bột; hải sâm bỏ ruột, cắt miếng mỏng; gừng đập dập; hành cắt khúc. Bỏ hải sâm, đỗ trọng, canh gà, hành, gừng vào nồi. Dùng lửa lớn nấu sôi, vặn lửa nhỏ lại nấu thêm 40 phút thì được. Chia ăn trong ngày.

Công dụng: Bổ can thận, bổ khí huyết.

Theo Đông y, hải sâm vị mặn, tính ấm, có tác dụng bổ thận dương huyết, ích tinh, nhuận táo. Thường dùng cho người bị thận hư, tỉnh huyết hao tổn, cơ thể suy nhược, di tinh, dương nuy, tiểu tiện nhiều do thận hư, ruột táo khô, đi cầu khó khăn. Ngoài ra, còn được dùng để điều trị hỗ trợ cho các trường hợp ung thư

Theo kết quả nghiên cứu của dinh dưỡng học hiện đại, hải sâm là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất phong phú, làm tăng cường sức đề kháng và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.

3. Canh thịt dê đương quy

Nguyên liệu: Thịt dê 150g, đương quy 5g, gừng tươi 3 lát.

Cách chế biến: Thịt dê sau khi rửa sạch bỏ vào nước sôi trụng sơ khử mùi, vớt ra để nguội, cắt miếng. Bỏ thịt dê vào nồi cùng với gừng, đương quy; đổ vào lượng nước vừa phải, dùng lửa lớn nấu sôi, vớt bỏ bọt; dùng lửa nhỏ hầm cho đến khi thịt mềm là được. Dùng nóng vào lúc bụng đói, dùng liền khoảng năm ngày.

photo-1681954479927

Vị thuốc đương quy

Công dụng: Bổ thận, dưỡng huyết.

Thích hợp dùng cho người bị thận dương hư, khí huyết suy tổn, dẫn đến choáng váng hoa mắt, sắc mặt khô héo, mệt mỏi vô lực, ít ăn, phân lỏng.

Trong sách Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh viết: “Dương nhục – thịt dê, vị đắng ngọt, tính rất nóng, ích cho tâm tì, bổ được hư lao, hàn lạnh, trừ kinh giản, trị bị gió chóng mặt, lưng đau, gối mỏi”.

BS Vũ Quốc Trung

Nguồn tin: Báo sức khỏe và Đời sống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *